Vui thú câu ghềnh...
(BKH) - Từ tháng 9 âm lịch đến tháng Chạp, một số đảo trong vịnh Nha Trang là điểm đến lý tưởng của các cần thủ câu ghềnh. Lượng cá câu được tuy không nhiều, nhưng cảm giác ngồi thư thái trên những mỏm đá nhô ra biển, buông câu và chờ đợi… là những trải nghiệm thú vị không thể tìm thấy ở các hình thức câu cá khác…
Vượt thử thách...
Sáng cuối tuần trên cầu cảng Cầu Đá, không khí tấp nập hối hả hơn ngày thường. Trong số những người khách chờ tàu đi ra đảo, chúng tôi thấy nhiều người đàn ông đội mũ rộng vành, vai mang túi đồ nghề câu cá. Theo chuyến đò ra đảo Trí Nguyên, chúng tôi đánh bạn với 3 nhóm câu đến từ huyện Diên Khánh và phường Ngọc Hiệp (TP. Nha Trang).
Cập bờ đảo Trí Nguyên, chúng tôi đi bộ theo con đường độc đạo nhằm hướng Đông Nam xuyên qua đảo. Đến cuối con đường này là đến mặt ngoài của đảo Trí Nguyên, 3 nhóm câu tách ra. Nhóm đến câu ở khu vực mũi Một, chúng tôi theo nhóm ông Sùng và nhóm anh Dũng đi về phía mũi Cá Sấu cách đó khoảng hơn 1km. “Mũi Một tuy gần hơn, đường dễ đi hơn, nhưng lại ít cá. Mũi Cá Sấu xa hơn và đường rất hiểm trở, khó đi, nhưng bù lại cá nhiều hơn, phong cảnh cũng rất đẹp, trưa nắng còn có chỗ mát để nghỉ ngơi”, ông Sùng cho biết.
Dulichgo
Để đến được mũi Cá Sấu ở góc phía Đông đảo Trí Nguyên, chúng tôi phải băng qua một bãi sạn khá dài với vô số tảng đá nhẵn tròn, ẩm ướt và rất trơn nên chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng dễ dẫn đến tai nạn. Dọc bãi sạn này chúng tôi thấy nhiều người đứng trên những mỏm đá nhô ra biển dùng câu máy tung mồi ra xa. “Đoạn này khuất gió, lặng sóng nên cá nhái vào rất nhiều. Những người đó đều câu loại cá này. Nhưng mục đích của chúng tôi trong chuyến câu này là cá dò nên phải đi ra mũi Cá Sấu.
Cũng nhờ đi nhiều qua con đường thử thách này mà anh em chúng tôi tuy đã gần 60 tuổi nhưng chân tay vẫn còn nhanh nhẹn, rắn chắc”, ông Thạch chia sẻ. Càng đến gần địa điểm câu, chúng tôi thấy con đường càng trở nên hiểm trở vì phải vượt qua nhiều mỏm đá cheo leo, nhô ra biển theo hình răng cưa. Đi một đoạn, ông Thạch quay lại dặn: “Qua vách đá này là đến nơi rồi. Đây là vách đá khó vượt qua nhất, nếu không quen rất dễ bị trượt chân rớt xuống vực đá. Hãy theo sát tôi, tôi bước chỗ nào thì các cậu bước chỗ đó. Nhớ kỹ là tay phải bám được vào chỗ vững chắc thì chân mới bước”.
Tìm niềm vui
Trèo qua bên kia vách đá cao khoảng chục mét, phía dưới là vô số “mũi chông đá” - thử thách cuối cùng của chặng đường - chúng tôi cảm thấy thật nhẹ nhõm, bao mỏi mệt, căng thẳng trên đường đi dường như đã tan biến trong những làn gió biển mát lạnh. Đến nơi, chúng tôi mới hiểu, sở dĩ dãy vách đá khổng lồ phía Đông đảo Trí Nguyên này được gọi là mũi Cá Sấu, là bởi nhìn tổng thể nó giống như hình thù con cá sấu nằm uốn mình theo một góc đảo, điểm nhô ra biển xa nhất lại rất thấp, trông như cái đầu con cá sấu đang nhô lên khỏi mặt nước. Lúc này, dọc những vách đá được ví như mình cá sấu đã có rất nhiều người ngồi buông câu. Nhóm ông Sùng, anh Dũng nhanh chóng tìm cho mình những vị trí đắc địa để ngồi câu. Riêng nhóm của anh Ty thì bơi ra câu ở mỏm đá được ví là đầu cá sấu.
Theo những tay câu nhiều kinh nghiệm, từ tháng 9 âm lịch đến tháng Chạp là mùa câu ghềnh. Mùa này cá dò, cá dìa vào sát bờ rất nhiều. Tuy nhiên, để câu được loại cá này đòi hỏi không ít công phu, nhất là khâu chuẩn bị mồi câu và kỹ thuật câu. “Cá dò, cá dìa có thể câu bằng mồi tôm, nhưng chúng hạp ăn nhất vẫn là mồi ruốc biển. Lúc nào không có ruốc tôi phải dùng mồi tôm và mồi bột tự chế để câu”, ông Sùng cho biết. Việc làm mồi bột đòi hỏi nhiều công phu nhất, nó bao gồm hỗn hợp cơm, bột mì, bánh in, ruốc biển (được các cần thủ cấp đông để dành từ mùa trước, nếu không có ruốc loại này thì thay bằng mắm ruốc) giã nhuyễn đến khi dẻo như keo. Ngoài mồi câu, các cần thủ còn dùng cơm trộn mắm ruốc hay ruốc cấp đông vãi xuống chỗ câu dụ cá dò, cá dìa tụ lại để câu được nhiều hơn.
Dulichgo
Ông Trần Khanh (xã Diên Phú, huyện Diên Khánh) chia sẻ: “Cá dò cắn câu rất nhạy, chỉ cần thấy nhích phao là mình phải giật ngay nếu không sẽ hụt và mất mồi. Nhưng để nhận biết lúc nào cá cắn câu trong khi cái phao cứ liên tục dập dềnh theo sóng biển, ngoài độ nhạy cảm của kinh nghiệm, đôi mắt phải tập trung cao độ và tay cần phải phản xạ thật nhanh. Nếu không thì ngồi cả ngày cũng chẳng câu được con nào”. Như để chứng minh lời nói của mình, ông Khanh lấy thêm cần câu và chia cho chúng tôi một ít mồi tự chế để trải nghiệm. Quả đúng như thế, sau khoảng 30 phút, chúng tôi chẳng câu được con nào, trong khi những cần thủ xung quanh liên tục kéo cá lên bờ trong niềm phấn khích. Họ cho biết lý do là chúng tôi thiếu kinh nghiệm nên cá cắn câu nhiều mà... không biết!
Theo quan sát của chúng tôi, lượng cá dò mà các cần thủ câu ở khu vực mũi Cá Sấu rất nhiều, nhưng cá chỉ to bằng 2 - 3 ngón tay nên nhìn chung “chiến lợi phẩm” thu được sau một chuyến câu không đáng là bao so với kiểu câu rạn (ngồi trên ghe thả trôi trên biển để câu). Tuy nhiên, việc câu được nhiều hay ít dường như không phải là điều quan trọng nhất đối với những người yêu thú câu ghềnh. Vì theo một cần thủ cho biết: “Ra đây câu chỉ tốn 10.000 đồng tiền đò cả đi và về. Bữa trúng thì được 4 - 5kg, bữa ít cũng được vài kg về nấu canh chua chứ không bao giờ phải về không. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất khiến anh em tôi thường ra đây câu là tìm không khí yên tĩnh, trong lành để thư giãn, hơn nữa cũng rất chủ động, muốn về đất liền lúc nào cũng được miễn sao kịp chuyến đò cuối cùng trong ngày vào lúc 16 giờ 30”.
Dulichgo
Buổi trưa, chúng tôi ngược về phía Tây đảo Trí Nguyên để đến khu vực mũi Một. Từ con đường độc đạo chạy xuyên đảo đến địa điểm câu ở mũi Một chỉ mất khoảng 20 phút lội bộ qua khu vực bãi sạn và trèo qua vài vách đá khá cao. Nơi đây cũng có nhiều cần thủ ngồi trên những mỏm đá nhô ra biển, ánh mắt chăm chú vào những cái phao xốp màu đỏ nhấp nhô theo từng con sóng.
Chúng tôi để ý 2 cần thủ buông câu tại vị trí rất lý tưởng là chiếc cầu tàu nối từ một mỏm đá và có kiểu câu “lạ”. Từ đây, họ dùng cần máy vụt mồi câu ra rất xa, rồi trầm ngâm theo dõi cái phao xốp to bằng cổ tay, cách xa mấy chục mét. Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên, một cần thủ tên Ty nói: “Đây là kiểu chuyên câu cá nhái. Loại này rất nhạy cắn mồi và rất khỏe, khi đã đớp mồi là kéo cả cái phao lớn chạy rất nhanh nên người câu rất dễ nhận biết để kéo cá vào bờ”.
Trời càng về trưa, tần suất cá cắn câu càng thưa. Chúng tôi rời khu vực mũi Một để kịp chuyến đò trở về đất liền, kết thúc một buổi câu ghềnh đầy thú vị. Quanh đó vẫn còn không ít cần thủ miệt mài ôm cần câu tiếp tục “bám trụ” trên các ghềnh đá.
Theo Nam Anh (Báo Khánh Hòa)
Du lịch, GO!
Vượt thử thách...
Sáng cuối tuần trên cầu cảng Cầu Đá, không khí tấp nập hối hả hơn ngày thường. Trong số những người khách chờ tàu đi ra đảo, chúng tôi thấy nhiều người đàn ông đội mũ rộng vành, vai mang túi đồ nghề câu cá. Theo chuyến đò ra đảo Trí Nguyên, chúng tôi đánh bạn với 3 nhóm câu đến từ huyện Diên Khánh và phường Ngọc Hiệp (TP. Nha Trang).
Cập bờ đảo Trí Nguyên, chúng tôi đi bộ theo con đường độc đạo nhằm hướng Đông Nam xuyên qua đảo. Đến cuối con đường này là đến mặt ngoài của đảo Trí Nguyên, 3 nhóm câu tách ra. Nhóm đến câu ở khu vực mũi Một, chúng tôi theo nhóm ông Sùng và nhóm anh Dũng đi về phía mũi Cá Sấu cách đó khoảng hơn 1km. “Mũi Một tuy gần hơn, đường dễ đi hơn, nhưng lại ít cá. Mũi Cá Sấu xa hơn và đường rất hiểm trở, khó đi, nhưng bù lại cá nhiều hơn, phong cảnh cũng rất đẹp, trưa nắng còn có chỗ mát để nghỉ ngơi”, ông Sùng cho biết.
Dulichgo
Để đến được mũi Cá Sấu ở góc phía Đông đảo Trí Nguyên, chúng tôi phải băng qua một bãi sạn khá dài với vô số tảng đá nhẵn tròn, ẩm ướt và rất trơn nên chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng dễ dẫn đến tai nạn. Dọc bãi sạn này chúng tôi thấy nhiều người đứng trên những mỏm đá nhô ra biển dùng câu máy tung mồi ra xa. “Đoạn này khuất gió, lặng sóng nên cá nhái vào rất nhiều. Những người đó đều câu loại cá này. Nhưng mục đích của chúng tôi trong chuyến câu này là cá dò nên phải đi ra mũi Cá Sấu.
Cũng nhờ đi nhiều qua con đường thử thách này mà anh em chúng tôi tuy đã gần 60 tuổi nhưng chân tay vẫn còn nhanh nhẹn, rắn chắc”, ông Thạch chia sẻ. Càng đến gần địa điểm câu, chúng tôi thấy con đường càng trở nên hiểm trở vì phải vượt qua nhiều mỏm đá cheo leo, nhô ra biển theo hình răng cưa. Đi một đoạn, ông Thạch quay lại dặn: “Qua vách đá này là đến nơi rồi. Đây là vách đá khó vượt qua nhất, nếu không quen rất dễ bị trượt chân rớt xuống vực đá. Hãy theo sát tôi, tôi bước chỗ nào thì các cậu bước chỗ đó. Nhớ kỹ là tay phải bám được vào chỗ vững chắc thì chân mới bước”.
Tìm niềm vui
Trèo qua bên kia vách đá cao khoảng chục mét, phía dưới là vô số “mũi chông đá” - thử thách cuối cùng của chặng đường - chúng tôi cảm thấy thật nhẹ nhõm, bao mỏi mệt, căng thẳng trên đường đi dường như đã tan biến trong những làn gió biển mát lạnh. Đến nơi, chúng tôi mới hiểu, sở dĩ dãy vách đá khổng lồ phía Đông đảo Trí Nguyên này được gọi là mũi Cá Sấu, là bởi nhìn tổng thể nó giống như hình thù con cá sấu nằm uốn mình theo một góc đảo, điểm nhô ra biển xa nhất lại rất thấp, trông như cái đầu con cá sấu đang nhô lên khỏi mặt nước. Lúc này, dọc những vách đá được ví như mình cá sấu đã có rất nhiều người ngồi buông câu. Nhóm ông Sùng, anh Dũng nhanh chóng tìm cho mình những vị trí đắc địa để ngồi câu. Riêng nhóm của anh Ty thì bơi ra câu ở mỏm đá được ví là đầu cá sấu.
Theo những tay câu nhiều kinh nghiệm, từ tháng 9 âm lịch đến tháng Chạp là mùa câu ghềnh. Mùa này cá dò, cá dìa vào sát bờ rất nhiều. Tuy nhiên, để câu được loại cá này đòi hỏi không ít công phu, nhất là khâu chuẩn bị mồi câu và kỹ thuật câu. “Cá dò, cá dìa có thể câu bằng mồi tôm, nhưng chúng hạp ăn nhất vẫn là mồi ruốc biển. Lúc nào không có ruốc tôi phải dùng mồi tôm và mồi bột tự chế để câu”, ông Sùng cho biết. Việc làm mồi bột đòi hỏi nhiều công phu nhất, nó bao gồm hỗn hợp cơm, bột mì, bánh in, ruốc biển (được các cần thủ cấp đông để dành từ mùa trước, nếu không có ruốc loại này thì thay bằng mắm ruốc) giã nhuyễn đến khi dẻo như keo. Ngoài mồi câu, các cần thủ còn dùng cơm trộn mắm ruốc hay ruốc cấp đông vãi xuống chỗ câu dụ cá dò, cá dìa tụ lại để câu được nhiều hơn.
Dulichgo
Ông Trần Khanh (xã Diên Phú, huyện Diên Khánh) chia sẻ: “Cá dò cắn câu rất nhạy, chỉ cần thấy nhích phao là mình phải giật ngay nếu không sẽ hụt và mất mồi. Nhưng để nhận biết lúc nào cá cắn câu trong khi cái phao cứ liên tục dập dềnh theo sóng biển, ngoài độ nhạy cảm của kinh nghiệm, đôi mắt phải tập trung cao độ và tay cần phải phản xạ thật nhanh. Nếu không thì ngồi cả ngày cũng chẳng câu được con nào”. Như để chứng minh lời nói của mình, ông Khanh lấy thêm cần câu và chia cho chúng tôi một ít mồi tự chế để trải nghiệm. Quả đúng như thế, sau khoảng 30 phút, chúng tôi chẳng câu được con nào, trong khi những cần thủ xung quanh liên tục kéo cá lên bờ trong niềm phấn khích. Họ cho biết lý do là chúng tôi thiếu kinh nghiệm nên cá cắn câu nhiều mà... không biết!
Theo quan sát của chúng tôi, lượng cá dò mà các cần thủ câu ở khu vực mũi Cá Sấu rất nhiều, nhưng cá chỉ to bằng 2 - 3 ngón tay nên nhìn chung “chiến lợi phẩm” thu được sau một chuyến câu không đáng là bao so với kiểu câu rạn (ngồi trên ghe thả trôi trên biển để câu). Tuy nhiên, việc câu được nhiều hay ít dường như không phải là điều quan trọng nhất đối với những người yêu thú câu ghềnh. Vì theo một cần thủ cho biết: “Ra đây câu chỉ tốn 10.000 đồng tiền đò cả đi và về. Bữa trúng thì được 4 - 5kg, bữa ít cũng được vài kg về nấu canh chua chứ không bao giờ phải về không. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất khiến anh em tôi thường ra đây câu là tìm không khí yên tĩnh, trong lành để thư giãn, hơn nữa cũng rất chủ động, muốn về đất liền lúc nào cũng được miễn sao kịp chuyến đò cuối cùng trong ngày vào lúc 16 giờ 30”.
Dulichgo
Buổi trưa, chúng tôi ngược về phía Tây đảo Trí Nguyên để đến khu vực mũi Một. Từ con đường độc đạo chạy xuyên đảo đến địa điểm câu ở mũi Một chỉ mất khoảng 20 phút lội bộ qua khu vực bãi sạn và trèo qua vài vách đá khá cao. Nơi đây cũng có nhiều cần thủ ngồi trên những mỏm đá nhô ra biển, ánh mắt chăm chú vào những cái phao xốp màu đỏ nhấp nhô theo từng con sóng.
Chúng tôi để ý 2 cần thủ buông câu tại vị trí rất lý tưởng là chiếc cầu tàu nối từ một mỏm đá và có kiểu câu “lạ”. Từ đây, họ dùng cần máy vụt mồi câu ra rất xa, rồi trầm ngâm theo dõi cái phao xốp to bằng cổ tay, cách xa mấy chục mét. Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên, một cần thủ tên Ty nói: “Đây là kiểu chuyên câu cá nhái. Loại này rất nhạy cắn mồi và rất khỏe, khi đã đớp mồi là kéo cả cái phao lớn chạy rất nhanh nên người câu rất dễ nhận biết để kéo cá vào bờ”.
Trời càng về trưa, tần suất cá cắn câu càng thưa. Chúng tôi rời khu vực mũi Một để kịp chuyến đò trở về đất liền, kết thúc một buổi câu ghềnh đầy thú vị. Quanh đó vẫn còn không ít cần thủ miệt mài ôm cần câu tiếp tục “bám trụ” trên các ghềnh đá.
Theo Nam Anh (Báo Khánh Hòa)
Du lịch, GO!